Xin mượn lời của tác giả để nói thay nỗi lòng của Thang Long OSC gửi đến những người trẻ đang tìm hiểu về du học Nhật Bản: "Nếu không có quyết tâm, không có mục đích du học rõ ràng, bạn nên nghĩ lại việc sang Nhật. Còn nếu chỉ nghĩ đến tiền mang về Việt Nam thì càng tuyệt đối không nên sang. Chúng ta không làm giàu bằng lao động chân tay được. Lại càng không thể nghĩ đến việc đổi đời ở một đất nước xa lạ khi ta không thể đổi đời ở đất mẹ của mình được."
Đọc bài để hiểu thêm về cuộc sống du học tại xứ sở phù tang nhé!

EM CÓ THÍCH NƯỚC NHẬT KHÔNG?
Có bốn mùa thay đổi, có tuyết trắng mùa đông, có lá phong đỏ vàng các triền núi mùa thu, xuân về hoa anh đào nở đầy trong gió, mùa hè với muôn vàn náo nức của các lễ hội. Người Nhật thân thiện, người Nhật lịch sự, người Nhật yêu quý Việt Nam...
Tối nay vừa đổ xong xô nước lau sàn nhà bước ra về. Gió thổi lạnh lạnh sau cơn mưa chiều. Chạnh lòng thấy nhớ nhà vì Nhật đang vào lễ Obon. Hôm nay ở quán con cháu ông bà chủ về tụ tập ăn uống. Chợt nhớ hơn một năm rồi chưa có cảm giác tụ tập ở nhà.
Bà chị gửi bài về du học sinh, đọc xong cảm thấy buồn. Dù không biết em là ai, quê quán ở đâu, nhưng có lẽ em ra đi trong cô đơn, mệt mỏi và chắc em đã buồn lắm những tháng ngày này. Mong em yên nghỉ, mong em mau chóng về được với quê nhà.
Mình may mắn khi ba mẹ không quá nghèo. Không phải nghĩ bằng mọi giá phải kiếm tiền.
May mắn khi sang đây được bao nhiêu anh chị thương.
May mắn khi sang đây tiếng Nhật "đủ để sống".
Đến năm thứ 5 ở Nhật cuộc sống đã dễ thở hơn. Nhưng vẫn có những kỷ niệm cứ nhắc đến lại thấy nước mắt cứ chực tuôn ra. Không bao giờ dám than thở mình cực khổ. Vì muốn nên người phải biết chịu đựng. Nhờ tất cả những giây phút đấy mới khiến mình mạnh mẽ để sống. Mọi thứ đến đều để lại những bài học, những tài sản đáng giá.
Chưa bao giờ kể ra tường tận những nổi khổ, những tủi nhục, những giọt nước mắt như thế nào bởi sợ ba mẹ xót lòng con gái rượu.
Lần đầu tiên viết về một cái tôi không hề muốn cho ai biết vì nhiều lí do.
Năm đầu tiên sang Nhật, tuần đầu tiên không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ. Sợ mình nói người ta không hiểu. Mặc dù lúc đấy đã đậu N2 cứ tưởng to lắm. 19 tuổi lần đầu tiên nằm trong chăn khóc vài ngày vì cảm giác sợ người đến thế.
Năm đầu tiên, điện thoại xin việc bằng điện thoại công cộng. Lạnh, sợ, hồi hộp. Mỗi lần cầm điện thoại lên nghe từng tiếng tít là lo sợ. Rồi cũng đi làm được sau vài chục cuộc gọi.
Đi làm ngày mùa đông đêm 2h sáng đạp xe về. Gió lạnh lùa qua tai nổi da gà vì sợ. Xung quanh không một bóng người. Nước mắt cứ thế mặn chát tràn vào miệng vì cô độc. Vì tủi thân. Câu ngày ấy thường xuyên tự nhủ là: nếu ở Việt Nam mình đã chả khổ sở thế này. Bởi nếu học kinh tế Hồ Chí Minh ba mẹ cho tiền hằng tháng, cho xe, chỉ có học, ăn và chơi.
Rồi đến lúc nhận kết quả thi không cao, mất một ngày lang thang trong chiều lạnh để buồn. Để vừa làm vừa học chưa bao giờ dễ.
Rồi có khi nghỉ hè nghỉ đông. Một ngày cày từ sáng 8 giờ đến 5 giờ chiều. Tối từ 6 giờđến 11 giờ đêm. Liên tục nhiều ngày về đến nhà chỉ nằm vật ra chịu đựng những cơn đau lưng và khó thở. Lần đầu tiên trong đời cảm thấy sợ sau này mình sẽ chết sớm. Lần đầu tiên nói với ba, con thèm một buổi sáng chủ nhật ngủ dậy muộn. Thấy được nắng mặt trời, pha cốc cafe, giặt quần áo và phơi dưới nắng. Có lẽ lúc đấy ba đã rất buồn. Những đau đớn về thể xác là thứ đầu tiên phải chịu đựng ở nơi này.
Tiền lương nhận về, đóng xong tiền nhà, tiền điện nước, tiền học, còn lại là tiền ăn. Hạn chế tối đa việc mua sắm linh tinh. Vậy mà vẫn thiếu lên hụt xuống. Cuộc sống chỉ quanh quẩn: đi học, đi làm, ăn, ngủ, và nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Có lần vẫn chưa đến ngày nhận lương mà trong túi còn vài trăm yên, chỉ đủ đi tàu điện. Cơm trưa chỉ có thể là mì tôm. Nhớ hôm ấy là lần đầu tiên, cầm hộp mì tôm và nhìn mất một lúc lâu. Vì lúc nào cũng chê dở không ăn được. Mà thật sự chỉ ăn được nửa hộp rồi đem đổ đi. Nhịn đói đến chiều. Lần đầu tiên hiểu được giá trị đồng tiền. Và giờ thì hãnh diện vì ăn được mì tôm Nhật.
Có lần đến hạn đóng tiền điện mà hết tiền, đến lúc có lương thì không có thời gian đi đóng. Bị cắt điện. 12 giờ đến 2 giờ sáng còn ôm tài liệu ra hành lang ngồi dịch để mai kịp nộp cho thầy. Mỗi lần nghe tiếng chân ai lại giật mình vì sợ ai đi ngang nhìn thấy xấu hổ. Ánh đèn thì mờ mờ, lòng thì xót. Vì nghĩ mình đang ở nước mà ai cũng mơ.
Hết tiền điện rồi đến tiền gas. Nhớ lần phải cắn răng tắm nước lạnh (cắn răng cả nghĩa đen lẫn bóng) trong khi nhiệt độ ngoài trời là 0 độ. Cũng tắm bình thường. Có lạnh nhưng không chết được. Bà chị mình bảo mình điên. Nhưng vẫn nghĩ: sau này không có cơ hội để trải qua thảm cảnh này nữa. Phải ráng tận dụng. Để nhớ dai cả đời cái ngày gọi là ngày hôm nay.
Mẹ bảo cho tiền về nước. Bảo: không con bận thi. 3 năm trời đi biền biệt không về. Có nhiều khi mình đày đoạ bản thân quá ác.
Những khó khăn đấy chỉ làm mình cảm thấy tủi thân. Nhưng chưa bao giờ nhỏ nước mắt. Bởi cứ nghĩ rằng " What doesnt kill you make you stronger".
Thứ lấy đi nhiều nước mắt nhất là mất tự tôn.
Năm đấy đi làm, quán tuyển vào để cuốn sushi. Nhưng đến khi vào, lại không làm được vì cuộn cả mấy chục cuộn vẫn không thành công. Ông chủ đành cho đi rửa chén, chỉ có lúc rảnh mới chỉ cho cuộn tiếp.
Và kết quả là rửa mất một năm trời. Chén dĩa đủ loại rửa xong phải biết chỗ mà cất vào. Không biết bao nhiêu là loại. Rồi có loại một cái đĩa cả tiền triệu, ôm một cái đã thấy quá sức, thế mà phải ôm cả hai ba cái. Cao 1m58 mà phải nhướn nhướn muốn gãy hay tay để nâng đĩa lên tủ cất. Rồi những nồi niêu to đùng phải đẩy lên xe cất. Có một lần đẩy đi, một ông bếp trưởng không ưa mình đưa chân ra thế là đổ cả. Đã thế còn bị mắng ngay tại chỗ. Cả quán nhìn mình như một con vô tích sự. Xin lỗi rồi thu dọn, vì chẳng nhẽ ngồi đấy khóc. Cũng chẳng phải mạnh mẽ gì. Hoàn cảnh không cho yếu đuối để mà khóc.
Chỉ có lúc về nhà ngồi một mình nước mắt mới rơi. Sợ vài con người. Mà uất ức vì không thể nói.
Có đêm ôm rác ra vứt, tuyết đầu mùa rơi. Thẫn người ra một lúc, rồi lại đi vào làm. Người ta cứ bảo tuyết đẹp, hoa anh đào đẹp. Chứ thật ra làm sao một đứa con gái làm ngày hơn 10 tiếng, hai bả vai như rơi ra, người nặng cả tấn, quần áo đồng phục ướt vì rửa chén quá nhiều, và trên người còn có cả mùi rác, thấy tuyết đẹp cho được. Chỉ thấy mắt cay cay. Mỗi khi nhìn mấy cô làm ở khâu tiếp khách mặt kimono đep như trăng rằm, lại nhìn mình như quạ đen tủi thân.
Rồi có lúc khách mua hàng vứt tiền xuống bàn vẫn phải nhặt lên cười. Mà thực lòng chỉ muốn cho nó cái bạt tai.
Có lúc bị thằng nhỏ tuổi hơn mắng gọi là MÀY. Cũng phải nhịn.
Có lúc bị ốm vẫn bị gọi đi làm, người ta ngon ngọt lắm. Nhưng mình đủ ăn học để hiểu đang bị bóc lột.
Có lúc ấm ức lắm, nhưng vẫn cười. Nước mắt có chực trào ra thì cũng cố mà ngước mắt lên cho nó không trào ra nữa. Ghét nhất thấy mình yếu đuối trước mặt bọn ác với mình.
Có lúc thấy quá nhiều bất công mà không thể nào nói vì tiếng Nhật có đủ đâu mà nói. Đến lúc đủ rồi thì lại tự nhủ phải chịu đựng. Phải học chữ nhẫn. Để rồi có khi làm về lại phải ngồi thở ngắn than dài.
Nước mắt rơi thật nhiều lần. Vì thấy cái tôi bị tổn thương to lớn.
Học được chữ nhẫn, chữ nhịn mất không biết bao nhiêu nước mắt.
Rồi thêm vài năm đã biết khi nào cần nói, khi nào cần chịu đựng. Biết dần dung hoà cuộc sống và giữ lại tự trọng của mình.
Cho đến bây giờ, đôi lúc mẹ bảo mẹ hối hận khi cho mình đi. Thật lòng mà nói, thứ mình có được quan trọng hơn tấm bằng đại học. Đấy là cách học sống trong môi trường Nhật. Học cách đối đầu với những khó khăn và vượtt qua chính mình.
Bạn bè mình Đông Du 10 đứa đi du học Nhật Bản thì 10 đứa chắc đã trải qua những cảm xúc này. Chỉ có điều không ai kể ra vì ai cũng nghĩ nó bình thường. Nếu không có quyết tâm, không có mục đích du học rõ ràng, bạn nên nghĩ lại việc sang Nhật. Còn nếu chỉ nghĩ đến tiền mang về Việt Nam thì càng tuyệt đối không nên sang. Chúng ta không làm giàu bằng lao động chân tay được. Lại càng không thể nghĩ đến việc đổi đời ở một đất nước xa lạ khi ta không thể đổi đời ở đất mẹ của mình được.
Mượn câu chị tiền bối nói: "Giấc mơ Nhật hay Mĩ... Không có một giấc mơ nào ngọt ngào như giấc mơ canh rau muống và cà dầm tương của mẹ em đâu". Thật sự buồn khi nghe tin du học sinh tự vẫn, hay tin du học sinh mất nơi đất này. Cuộc sống còn bao nhiêu thứ đẹp... Văn hóa ăn uống của người Nhật Bản
(Nguồn: Facebook của bạn Tùng Linh)
Để lại cmt dưới bài viết này hoặc liên hệ hotline 0466866770, Thang Long OSC sẽ tư vấn thông tin du học Nhật Bản cho bạn hoàn toàn miễn phí!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét