Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Thông tin cơ bản về du học Nhật và tu nghiệp sinh

Du học Nhật Bản hay tu nghiệp sinh đối với người chỉ muốn đi kiếm tiền.
Cho dù về mặt danh chính ngôn thuận, du học là để đi học, xuất khẩu lao động cũng là đi học nghề, thì về mặt thực tế của xã hội Việt Nam mấy năm gần đây, du học Nhật qua các công ty du học bắt đầu từ trường tiếng, và đi xuất khẩu lao động theo hình thức thực tập sinh, là sự băn khoăn lựa chọn của khá nhiều người muốn đi kiếm tiền. Bỏ qua tất cả những gì lung linh đẹp đẽ này nọ của việc du học thực sự, chỉ nhìn từ quan điểm đơn thuần “kiếm tiền”, “học được chút tiếng Nhật” thì có thể so sánh 2 khía cạnh kia như sau:

1. Lương bổng ra sao?
Du học sinh làm thêm arubaito với lương bằng 1~1,5 lần lương tối thiểu, tuỳ vào nơi làm việc và năng lực tiếng Nhật, kinh nghiệm, nhanh nhẹn của mình.
Thực tập sinh  thì lương phần lớn chỉ là lương tối thiểu, và phần lớn không có chuyện tăng lương.
 
2. Nơi làm việc, công việc.
Du học sinh được chọn nơi làm việc, công việc, thời gian, tự do chuyển việc, làm nhiều việc, đàm phán thời gian làm việc, xin tráo đổi giờ làm, xin nghỉ ốm (không lương)… Có thể chọn chỉ làm vài ngày, vài buổi trong tuần. Có thể chỉ làm ở 1 nơi nào trong 1 tuần xem thử thế nào… Địa điểm làm việc thường là làm trong nhà và cố định.
Thực tập sinh thì không được như vậy mà chỉ được chọn công việc từ lúc ở Việt Nam, từ lúc không hình dung được việc như thế nào, nặng nhẹ ra sao, con người ở nơi làm việc thế nào, địa điểm làm việc ra sao. Có những công việc, ví dụ như xây dựng thì thường phải đi đây đi đó nhiều.

3. Thời gian làm việc.
Du học sinh theo luật thì chỉ được làm việc 28 tiếng 1 tuần, vào các kỳ nghỉ dài (nghỉ xuân 3 tuần, nghỉ hè 1 tháng, nghỉ đông 2 tuần) thì có thể làm việc 8 tiếng 1 ngày. Tuy nhiên nhiều người làm việc nhiều giờ hơn như thế này, tất nhiên phải giấu bằng cách làm nhiều nơi, hoặc làm quá giờ ít thôi, và đi học đều để tránh bị nhòm ngó. Du học sinh cũng tự do chọn chỗ làm nên họ chọn nơi làm việc gần nhà, dễ đi lại để tiết kiệm thời gian.
Thực tập sinh theo luật chỉ được làm 7-8 tiếng 1 ngày, có làm thêm hay không thì là tuỳ theo công việc, theo mùa vụ “làm ăn”… Ví dụ như nông nghiệp thì có những mùa còn không có đủ 8 giờ làm, xây dựng thì hầu như không có làm quá giờ, mà đi các công trình thì phải di chuyển nhiều trong khi thời gian di chuyển lại không được tính tiền (các thông tin này là nghe nói lại. Ai có thông tin chi tiết hay muốn đính chính thì comment nhé).

3. Thu nhập như vậy rồi có bị trừ thuế má gì không?
Du học sinh bị đánh thuế thu nhập nếu thu nhập quá 103 man / năm. Phí cho quỹ hưu (nenkin) cũng có thể không bị bắt đóng. Bảo hiểm y tế có thể xin giảm. Nhà cửa, ăn uống thì tự mình lo, ít nhiều là do mình.
Thực tập sinh cũng phải đóng thuế cho thu nhập quá 103 man / năm. Các phí quỹ hưu, bảo hiểm y tế đều phải đóng. Nhà cửa và ăn uống phần lớn là tiền cố định bị trừ bởi công ty tiếp nhận. Có những trường hợp bị trừ không hợp lý.

4. Nói tóm lại, có kiếm tiền được không?
Du học sinh có vẻ là kiếm được lương từ 8-12 man 1 tháng nếu làm thêm (arubaito) đúng 28 giờ/tuần theo luật. Quá 28 tiếng chút đỉnh có thể kiếm đến 15-18 vạn. Làm cật lực tiết kiệm cả thời gian ngủ, thời gian học, ngủ trên lớp bất cần ai, làm không cần biết có thể gia hạn visa sau 1,5 đến 2 năm visa đầu tiên, thì có thể kiếm đến chừng 30-40 vạn. Du học sinh còn phải trả tiền học từ 70-90 vạn Yên 1 năm.
Thực tập sinh thì có vẻ là kiếm được lương chừng 12-15 man 1 tháng. Nếu có làm thêm thì có thể đến mức 18-20 vạn Yên, nhưng được làm thêm hay không thì không tự mình quyết định được.
Các khoản trừ (chi phí) thì tuỳ nhưng có lẽ từ 4-6 man.

Thông tin cơ bản về du học Nhật và tu nghiệp sinh

5. Thời gian ở Nhật là bao lâu?
Du học sinh học tiếng từ 1,5-2 năm. Nếu lên lớp đủ, không làm quá nhiều tiền đến mức bị cục nhập cảnh để ý, đủ tiếng Nhật để viết 1 bài luận 1, 2 trang A4 và trả lời vài câu phong vấn để vào trường “semmon” thì sẽ có thêm visa 3 năm nữa. Hoặc ai học Đại Học thì sẽ có visa 4 năm nữa. Nếu ai chịu khó học tiếng Nhật đủ tốt (mà thực ra đó chính là môi trường học tập) thì cũng có khả năng kiếm được việc ở Nhật sau đó, thì cứ tiếp tục ở Nhật đến khi chán hoặc không có việc. Ai ở Nhật 10 năm, trong đó có 5 năm đi làm ổn định thì có thể xin visa định cư.
Thực tập sinh thì chỉ được ở Nhật 3 năm, riêng nghề xây dựng thì có thể lên đến 5 năm. Có những người muốn quay lại Nhật thì lại phải về Việt Nam chờ ít nhất 1 năm rồi mới tìm cách quay trở lại Nhật theo hình thức du học, nhưng tuỳ vào tuổi tác và sự giải trình của công ty du học mà có thể là rất khó khăn.

6. Có vất vả không?
Du Học Sinh vất vả hay không là tự do bản thân có đi làm nhiều hay không mà thôi, chứ bản thân công việc thì không cực nhọc, nhiều công việc nhàn nhã. Bản thân có thể tự chọn việc. Việc làm dãi nắng dầm mưa thì cũng ít trừ khi cố tình chọn. Nhiều người bị áp lực kiếm tiền nên làm đêm, làm cả ngày cuối tuần, ngày lễ, nên thiếu ngủ, sức khoẻ suy giảm.
Thực tập sinh thì vất vả hay không là tuỳ công việc, ngành nghề. Và nếu đã vất vả thì nó sẽ kéo dài cả 3 năm. Tuy nhiên thực tập sinh phần lớn được ngủ đêm và nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ theo luật.

7. Cuộc sống như thế nào?
Du học sinh phần lớn học ở các thành phố lớn, tự do đi lại, chơi bời, kết bạn, về nước, đi nước khác. Nói chung là khá tự do, chỉ có tự bản thân bắt mình đi làm không chơi bời.
Thực tập sinh phần lớn làm việc ở các tỉnh xa, nông thôn, nhiều nơi hẻo lánh khó đi lại, ở tập trung tại các ký túc xá hoặc nhà thuê của công ty, nhiều nơi bị hạn chế đi lại khỏi nơi ở, có những nơi cấm sử dụng điện thoại, internet…

8. Có học được tiếng Nhật hay không?
Du học sinh thì được dạy đủ để học tốt tiếng Nhật. Học hay không là do mình.
Thực tập sinh thì không được ai dạy gì cả. Học được hay không cũng là do mình nhưng phải cố gắng gấp bội vì là tự học. Ngược lại thì thực tập sinh lại có thời gian tự học nhiều hơn so với du học sinh vì thời gian tối và cuối tuần không phải đi làm. Nếu du học sinh lên lớp cũng không học thì còn kém cả thực tập sinh tự học chuyên cần và chịu khó giao tiếp ở môi trường công ty.

9. Rủi ro:
Du học sinh có rủi ro là lúc đầu chưa quen có thể sẽ mất thời gian tìm việc làm thêm từ vài tuần đến vài tháng. Có nhiều người sốt ruột bỏ tiền cho những người môi giới việc (shoukai, “sokai”) mà những chuyện đó cũng có nhiều lừa đảo, tốn kém. Nhưng có lẽ rủi ro lớn nhất là làm quá nhiều dẫn đến không được gia hạn visa sau khi học trường tiếng. Du học sinh có rủi ro đến từ sự mải mê làm việc kiếm tiền của bản thân (vì càng làm nhiều thì càng có tiền mà) nên dẫn đến làm việc quá sức.

Thực tập sinh thì có rủi ro khá lớn, khá phổ biến ở môi trường tiếp nhận lao động. Khi có vấn đề thì không thể tự mình giải quyết mà phải dựa vào người khác, phần lớn là không thể giải quyết được. Nhiều người sợ phản ánh môi trường xấu thì không được ở lại làm việc tiếp. Công việc nếu như vất vả thì không từ chối hoặc đổi việc được như du học sinh, nên có sự rủi ro về sức khoẻ, sức chịu đựng.
Như vậy cả 2 đều có nhiều rủi ro về sức khoẻ nếu làm việc vất vả. Và có rủi ro là không kiếm đủ tiền trả nợ. Vì vậy nếu đặt mục đích đi kiếm tiền thì …. Thôi không nói nữa.

10. Ở Nhật về rồi sao?
Cứ cho là bản thân để dành được 1 chút tiền đi, ví dụ 200 triệu. Trước khi đi thì ai cũng nghĩ là để dành được 1 ít tiền làm vốn “làm ăn”. Vậy làm ăn gì, hay là chỉ để gửi ngân hàng? Cái vốn lớn nhất, đó là kinh nghiệm ở Nhật, kinh nghiệm về tiếng Nhật mà không một ai có N2, N1 ở Việt Nam học chay mà có thể bằng được. Du học sinh làm việc nhiều, tiếp xúc nhiều, nói nhiều, lăn ra xã hội nhiều thì còn nhiều kinh nghiệm hơn nữa, đó là vốn sống rất quý. Thực tập sinh nếu như thực sự học hỏi được cách làm việc của công ty thì có khả năng chính công ty đó sẽ mời quay trở lại làm việc sau này, nhưng tất nhiên phải về nước đã.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Thăng Long
Đ/c: Tầng 8, Tòa nhà HLH Phụ Nữ, Số 6 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0466866770

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét